Dinh dưỡng

Cây khoai mì: Nguồn dinh dưỡng tuyệt vời từ thiên nhiên

Cập nhật331
0
0 0 0
Cây khoai mì là nguyên liệu khá phổ biến, xuất hiện quen thuộc và rộng rãi trong các món ăn hàng ngày của người Việt Nam. Không chỉ đa dạng về giá trị dinh dưỡng trong thành phần mà loài cây này còn có những tác dụng rất tốt cho sức khỏe. 

Khoai mì là gì?
Tên gọi khác: Sắn, củ mì,…
Tên khoa học: Manihot esculenta Crantz.
Họ khoa học: Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Bộ phận dùng: Rễ, lá, vỏ thân – Radix, Folium et Cortex Manihotis Esculentae.
Khoai mì
Đặc điểm sinh trưởng

Theo một số tài liệu, cách đây hơn 2000 năm, cây khoai mì có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới, đặc biệt là châu Mỹ với các quốc gia như Mexico, Brazil… và các vùng lân cận.

Đến cuối thế kỷ thứ XIX, loài mới được trồng rộng rãi ở các khu vực châu Á như Trung Quốc, Mianma. Tại Việt Nam, cây xuất hiện khá lâu đời trong nhân dân ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, Bắc Bộ, các khu vực đồng bằng…

Thuộc loại thực vật sống lâu năm, ưa sáng, thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển là 20-30 độ C, dưới ngưỡng 15 độ C kèm sương mù nhiều, cây sẽ chết.

Lúc mới trồng, hay sinh trưởng mạnh cây cần có đủ ẩm, nhưng không chịu được ngập úng hay quá khô khan. Có thể nói rằng, đây là một trong những loài thực vật chịu hạn và thời tiết khắc nghiệt tốt.

Là loài cây sinh trưởng nhanh. Thường ra hoa quả ở những cây 1 năm tuổi trở lên, tự thụ phấn hoặc nhờ côn trùng, có khả năng tái sinh, dinh dưỡng rất khỏe.
Đất trồng cần tơi xốp, phải được xử lý trước khi trồng như dọn rễ cây, cỏ dại,… Nên trồng xen với một số loài thực vật khác như đậu xanh, đậu phộng… để chống xói mòn, đồng thời tăng dinh dưỡng, độ phì nhiêu cho đất.

Tình trạng sâu bệnh có thể gặp như rệp sáp, bọ cánh cứng, bệnh thối đọt, cháy lá…

Do cần nhiều dinh dưỡng để phát triển nên nếu trồng nhiều vụ khoai liên tiếp thì phải đầu tư phân bón, nhất là phân hữu cơ cho đất.

Thu hái
Bộ phận dùng: Rễ củ, lá và vỏ thân. Trong đó, rễ được sử dụng nhiều nhất bởi sự đa dạng về lợi ích.

Thời gian trồng thích hợp tùy theo vùng khí hậu: miền Nam tháng 4-8; miền Bắc tháng 2-3. Còn thời điểm thu hoạch sẽ tùy theo từng loại giống, thông thường là khoảng 6-12 tháng sau khi trồng. Lúc này, hàm lượng tinh bột trong củ sẽ đạt được khoảng 30% hoặc cây gần rụng hết lá ngọn (6-9 lá) và lá chuyển từ xanh sang vàng nhạt. Tránh để lâu hoặc phơi nắng trực tiếp quá 24g, sau khi thu hoạch sẽ làm giảm chất lượng tinh bột.

Mô tả toàn cây khoai mì
Cây bụi, phân cành nhiều, cao trung bình khoảng 3m. Rễ ngang phát triển và phình thành củ, tích tụ tinh bột, có thể dài tới 60 cm. Vỏ rễ dày, màu vàng nâu ở lớp vỏ tróc, màu hồng tím ở giữa. Ngoài ra, còn có sợi trục như tim nến ở lõi. Thân màu xám trắng, có nhựa mủ, mang nhiều vết sẹo do lá rụng để lại, phân 2-3 cảnh ở ngọn.

Lá đơn, mọc so le, xẻ 3-5 thùy sâu, hình chân vịt, mỗi thùy hình thoi, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt, cuống lá dài, có lá kèm nhỏ.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá, gần ngọn thành chùm hay chùy, gồm những hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực nhiều, có đài hợp 5 răng, cánh hoa 0, nhị 10 xếp thành 2 vòng. Hoa cái thường đơn độc, có đài giống hoa đực, bầu 3 ô.

Quả nang, hình trứng, có 3 mảnh, có đài và có cánh.

Mùa hoa quả tháng 9-10.

Bảo quản
Sau khi thu hoạch và chế biến, thực phẩm nên được để trong bọc kín, giữ nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Tốt nhất nên đậy kín bao bì, tránh mối mọt sau mỗi lần sử dụng.

Giá trị dinh dưỡng của khoai mì
Theo nhiều tài liệu, cây khoai mì có thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng khá phong phú:

Củ khoai mì tươi chứa:
  • 4% nước, 0.2% chất béo, 38.7% carbohydrat, 0.7% protein, 1% chất vô cơ, calci 50 mg%, phospho 40 mg%, thiamin 0.04 mg%, sắt 0.9 mg%, riboflavin 0.01 mg%…
  • Trong đó, carbohydrat gồm: glucose, fructose, dextrin, sucrose, pentosan và chất nhầy…một lượng nhỏ albumin, globulin, glutein, leucin, lysin, tryptophan, valin…phopholipid, acid béo.
  • Cùng nhiều acid amin, khoáng chất và vitamin khác như vitamin A, B, C, HCN…
  • Hàm lượng bột thay đổi tùy theo loại sắn và điều kiện sinh trưởng.
  • Độc tố dạng glucosid, dưới tác dụng của hệ thống tiêu hóa, dịch vị bị thủy phân thành acid cyanhydric.
  • Năng lượng 670 calo trong 100g.
100g khoai mì luộc chứa:
  • Năng lượng 112 calo, trong đó 98% từ carbohydrate, còn lại là từ các chất béo, protein, chất xơ…
  • Carbohydrate 27g, chất xơ 1g, vitamin B1 20% RDI, vitamin B2 2% RDI, canxi 2% RDI, P 5% RDI…( RDI là khẩu phần khuyến cáo hằng ngày)
  • Sắt, vitamin C, B3,…
Lá khoai mì chứa:
  • Protein thô 20.6-36.4%, chất béo 1.67%, nito 1.183%, sợi 2.1%, tro 1.46%, sắt 5.46 mg%, 89mg% HCN caroten, thiamin, riboflavin, niacin,…
  • Phần lá còn có đầy đủ các acid amin cần thiết, giàu lysin…
Tác dụng của khoai mì
Nguồn năng lượng dồi dào
So sánh lượng calo mà khoai mì cung cấp (112 calo) cao hơn nhiều so với các loại rau củ khác cùng trọng lượng như củ cải đường (44 calo), khoai lang (76 calo). Đây cũng được xem là một loại cây trồng quan trọng đối với các nước đang và chậm phát triển. Tuy nhiên, hàm lượng calo cũng là một trong các nguyên nhân làm tăng nguy có mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đáo tháo đường,…

Chính vì vậy, những đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh trên, béo phì, hoặc có nhu cầu giảm cân cần ăn khoai mì với lượng vừa phải, chia từng khẩu phần nhỏ phù hợp, trong khoảng 70-100g cho mỗi lần sử dụng, để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Hỗ trợ tiêu hóa, ngừa táo bón
Theo các tài liệu, khoai mì thuộc loại thực phẩm có nhiều tinh bột đề kháng và chất xơ. Loại tinh bột này cũng có đặc tính tương tự như chất xơ hòa tan, không chỉ giúp làm tăng số lượng lợi khuẩn trong ruột mà còn giúp tăng cường tiêu hóa, giảm viêm.

Ngoài ra, thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan sẽ giúp nhanh no và no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn, ngừa táo bón. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, lượng tinh bột kháng ở khoai mì sống cao hơn đã nấu chín.

Thân thiện với người có các triệu chứng đau đầu, mỏi mắt, cải thiện thị lực
Nhờ chứa các chất như riboflavin, vitamin mà thực phẩm có khả năng hỗ trợ làm giảm những cơn đau đầu, đau nửa đầu. Bên cạnh đó, vitamin A và lượng khoáng chất dồi dào cũng giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt, cải thiện thị lực.

Tăng sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa
Do có hàm lượng các chất chống oxy hóa trong thực phẩm này khá cao. Đặc biệt là vitamin C-thành phần chính tạo ra collagen, mô liên kết, làm tăng độ đàn hồi cho da. Ngoài ra, hoạt chất này còn tạo ra hàng rào bảo vệ cơ thể, tăng sức miễn dịch của cơ thể với các yếu tố bất lợi bên ngoài.

Khoai mì trong Y học cổ truyền
Theo Đông y, dược liệu có hương vị thơm ngon, không chỉ là nguyên liệu thực phẩm bổ dưỡng, kiện tỳ mà còn giúp giải độc, tiêu viêm, giảm sưng phù, chống thối rửa.

Cách sử dụng khoai mì
Tùy mục đích sử dụng có thể dùng khoai mì với nhiều cách và liều lượng khác nhau:
  • Rễ củ: Làm thực phẩm, nguyên liệu sản xuất glucose, dextrin và cồn, mạch nha, mì,…hay làm thức ăn cho gia súc. Có thể dùng các phương pháp làm chín thực phẩm như hấp, luộc, nấu chè, nghiền thành bột…
  • Thân làm giống, nấm, củi đun, làm nguyên liệu trong ngành công nghiệp xenlulozo.
  • Lá giàu đạm, bổ dưỡng đem ủ chua, phơi khô làm bột lá chăn nuôi heo, bò, gà, tằm, cá…
Cách sơ chế
Không nên gọt vỏ, cắt nhỏ rồi đem nấu chín, bởi sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của khoai. Các dạng thực phẩm chế biến từ khoai mì như bột năng, bột garri, trân châu…không cung cấp gì ngoài calo và một ít khoáng chất.

Đầu tiên là gọt vỏ, cắt bỏ phần đầu và đuôi của khoai mì. Sau đó, ngâm nguyên liệu trong nước qua đêm hoặc khoảng 48 tiếng trước khi chế biến. Có nhiều phương pháp chế biến thực phẩm nhưng tốt nhất vẫn là luộc chín kỹ khoai với nhiều nước, nên mở nắp trong quá trình nấu để chất độc bay hơi, rồi bỏ nước luộc đi.

Nên ăn khoai mì cùng với protein khác như trứng, sữa, hạt… sẽ giúp loại bỏ độc tố của khoai.

Một số lưu ý khi sử dụng khoai mì, nhằm tránh ngộ độc
Độc tố HCN có trong phần củ và lá của cây khoai mì. Trong các tài liệu ghi nhận, tùy theo giống, điều kiện đất đai, canh tác…khác nhau thì hàm lượng của loại độc tố này không giống nhau, trung bình khoảng 30 mg/kg củ tươi.

Liều HCN độc là 20 mg/người lớn, liều tử vong là khoảng 50mg trên mỗi 50kg cân nặng. Thế nhưng, những cách như luộc, ngâm, sơ chế khô, ủ chua làm loại bỏ phần lớn độc tố này.

Không nên ăn củ khoai mì chưa được nấu chín kỹ hoặc còn sống, bởi có thể bị ngộ độc. Một số biểu hiện của ngộ độc như chóng mặt, nhức đầu, nôn mửa, khó thở, đau bụng, tổn thương tuyến giáp, thần kinh…Thậm chí có thể dẫn đến co giật, hôn mê, tử vong…Trong dân gian, có cách sơ cứu các trường hợp này đó là làm người bệnh nôn ra phần khoai đã ăn rồi uống nước đường làm giảm độc tính. Tuy nhiên, tốt nhất nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Người dị ứng hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của nguyên liệu cũng không nên dùng.

Một số bài thuốc từ khoai mì
Hỗ trợ tiêu hóa, giảm tiêu chảy

Sao chín bột khoai mì 12g rồi đem hòa với nước cơm, nước cháo uống vào buổi sáng.

Dùng ngoài da
Dân gian còn dùng lá khoai mì giã nhuyễn đắp trị mụn nhọt.

Khoai mì trong ẩm thực thế giới
Ở Nam Mỹ khoai mì là loại tinh bột chính nên các món ăn rất phong phú. Tại Argentina, chúng đem luộc, chiên còn tại Bolivia người ta đem trộn với phô mai năn hình rồi nướng. Món farota, bánh tortilla gồm thành phần chính là khoai mì, cũng rất nổi tiếng ở Brazil…

Đa số các quốc gia ở châu Phi là nước kém phát triển, nên nguyên liệu này đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của họ. Từ Tây Phi chúng được nạo ra rồi ép, lên men, chiên, hoặc trộn với nước sôi… thành các dạng eba hoặc garri. Hay ở Trung Phi, người dân còn đem ướp thực phẩm trong nước muối, để nướng.
Khoai mì trong chế biến ảm thực
Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là những quốc gia có ẩm thực độc đáo, lâu đời. Nhân dân đã biết sử dụng cây khoai mì để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau cả món chính và món ăn nhẹ như khoai mì luộc, hấp cốt dứa, bánh nướng, chè, bánh rế…hương vị đều rất tuyệt vời. Không chỉ như vậy, những thành phẩm từ nguyên liệu này cũng rất đa dạng như bột năng, bột mì…

Nói chung, cây khoai mì vẫn là loại thực phẩm an toàn và bổ dưỡng với sức khỏe chúng ta, nếu được chế biến đúng cách và sử dụng với lượng vừa phải, hợp lí. Tuy nhiên, để tránh những tác dụng không mong muốn khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến từ người có chuyên môn, các y bác sĩ nhé.
Nguồnhttps://youmed.vn/
Lượt xem06/11/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng